Doanh nghiệp tiên phong bảo tồn và phát triển “đệ nhất cam

Doanh nghiệp tiên phong bảo tồn và phát triển “đệ nhất cam

Doanh nghiệp tiên phong bảo tồn và phát triển “đệ nhất cam" Xã Đoài xứ Nghệ

10:06 - 23/10/2020

Nguy cơ thất truyền “thiên hạ đệ nhất cam”….

Sở dĩ người dân xã Nghi Diên được khắp nơi biết đến là vì nơi đây trồng được loại cam “độc nhất vô nhị” mang thương hiệu đặc sản cam Xã Đoài. Nói về đặc tính của cam Xã Đoài, nhiều bậc cao niên trong xã Nghi Diên cho biết: “Có lẽ do thổ nhưỡng và nguồn nước ở nơi đây đã tạo nên vị ngọt và hương thơm đặc biệt của loại cam này. Đặc điểm nhận diện quả cam Xã Đoài là vỏ mỏng đều, mịn và có màu vàng tươi khi chín, sau đó sẽ chuyển dần sang màu vàng sẫm, mùi hương thơm dịu tỏa ra khi bổ cam, ruột vàng óng và nước cam ngọt thanh, không chua, ăn vào có chất kết dính như mật ong ở ngay đầu lưỡi. Cam Xã Đoài mọng nước, có trọng lượng khoảng 200 – 250gr/quả…”

Tham quan Trung tâm, du khách thích thú chụp ảnh lưu niệm trước đặc sản cam Xã Đoài

Không chỉ là loại quả được xếp đầu bảng trong thương hiệu cam Vinh, mà đặc sản cam Xã Đoài vốn từ lâu đã đi vào làn điệu dân ca ví giặm – một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: “Cam Xã Đoài xứ Nghệ/ Càng chín lại càng ngon”. Bên cạnh đó, hương vị cam Xã Đoài còn đọng trong những câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật:

“Cam Xa Đoài mọng nước

Giọt vàng như mật ong

  Bổ cam ngoài cửa trước

       Hương bay vào nhà trong”…

Theo cuốn biên niên sử của xã Nghi Diên chép rằng: “Đệ nhất cam” được trồng vào khoảng 150 năm trước. Bấy giờ, một vị linh mục người Pháp khi đến vùng đất Xã Đoài truyền đạo, đã mang theo một giống cam để trồng. Sau 3 – 4 năm, cây cho quả to, hình bầu, khối trụ, ít hạt, ăn thơm ngon đến kỳ lạ. Vị ngọt và hương thơm của nó đã nhanh chóng lan truyền khắp trong thiên hạ. Không chỉ người Việt, mà đến cả các vị quan Tây lúc bấy giờ cũng hết lời ngợi ca cam Xã Đoài. Từ đó, loại cam này đã được người dân Xã Đoài trồng cho đến ngày nay. Cam Xã Đoài đã vinh dự được ghi vào Đại từ điển Pháp, được ví ngang hàng với loại xoài đặc sản của nước Lào: “Cam Xã Đoài – Xoài Thà Khẹc”. Và, cam Xã Đoài từng một thời được chọn làm quà tiến vua. 

 Hằng ngày, cam Xã Đoài ở Trung tâm được chăm sóc bởi đội ngũ công nhân có kỹ thuật và dày dặn kinh nghiệm 

Quý, hiếm và có giá trị kinh tế cao là vậy, nhưng cam Xã Đoài đã và đang có nguy cơ mất giống do nhiều nguyên nhân như sâu bệnh gây hại, người dân ít đầu tư thâm canh, khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế…Bởi vậy, những hộ dân còn duy trì được đặc sản cam Xã Đoài ở xã Nghi Diên trong những năm qua chỉ đếm được trên đầu ngón tay và số lượng cây ở mỗi vườn cũng chỉ còn dăm bảy cây già cỗi, còi cọc, nhiễm sâu bệnh… 

Tiên phong bảo tồn và phát triển cam Xã Đoài xứ Nghệ…

Được biết, từ năm 2009, nhận thấy giống cam Xã Đoài đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, nên Công Ty TNHH Xây dựng Thành Phát đã tiên phong thực hiện dự án Bảo tồn và phát triển loại cam quý, hiếm này ngay trên vùng đất nguyên sản thuộc xóm 5, xã Nghi Diên. Với sự dày công đầu tư và áp dụng tốt khoa học kỹ thuật trong quá trình trồng và chăm sóc, đến nay, Trung tâm đã khôi phục và phát triển được hơn 3 ngàn gốc cam Xã Đoài.

Các chuyên gia khoa học nông nghiệp công nghệ cao của Hàn Quốc đang  hướng dẫn cách cách chăm sóc cây cam Xã Đoài tại Trung tâm

Hôm nay về thăm lại Trung tâm, chúng tôi được chiêm ngưỡng những hàng cam Xã Đoài thẳng tắp, xanh tốt và trĩu quả. Hằng ngày, cam Xã Đoài ở đây được chăm sóc cẩn mẫn bởi đội ngũ công nhân có kỹ thuật và dày dặn kinh nghiệm. Nhìn thấy đặc sản cam Xã Đoài phát triển xanh tốt ở Trung tâm, nhiều người dân nặng lòng với giống cam quý, hiếm này ở xã Nghi Diên đã không còn lo lắng.  

Nhìn nhận về đặc tính cam Xã Đoài, ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng bộ môn nghiên cứu về rau, hoa, quả (Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ) đánh giá: “Trong nhóm cam quả tạo nên thương hiệu cam Vinh, thì cam Xã Đoài là “hạt nhân” được xếp đầu bảng, sau đó mới đến cam sông Con, cam Vân Du…Hương vị và độ ngọt cam Xã Đoài không có loại cam nào sánh được. Điều kỳ lạ ở chỗ, sau khi bình tuyển thành công, chúng tôi có đưa cây giống cam Xã Đoài lên trồng thử ở vùng đất huyện Con Cuông (Nghệ An), nhưng quả của nó lại không còn mùi vị như trồng ở vùng đất xã Nghi Diên”.

Nhờ đặc tính thơm, ngon vượt trội hơn hẳn mọi loại cam khác, nên cam Xã Đoài được nhiều người chọn làm món quà Tết thượng hạng, được thương lái đặt mua theo quả và trực tiếp cắt cam tại vườn. Thiết nghĩ, mặc dù Trung tâm đã khôi phục và phát triển thành công, song chính quyền địa phương, các ngành chức năng cần quan tâm và có cơ chế ưu đãi, để cam Xã Đoài nơi đây ngày càng phát triển bền vững, nhằm bảo tồn và nhân rộng diện tích của loại cam quý, hiếm và có giá trị kinh tế cao này. 

(Theo doanhnghiephoinhap.vn: http://doanhnghiephoinhap.vn/doanh-nghiep-tien-phong-bao-ton-va-phat-trien-de-nhat-cam-xa-doai-xu-nghe.html)

 
Chia sẻ:
Đưa Dự án Nhà máy Điện gió Kon Plông vào quy hoạch chung thị trấn Măng Đen
Kon Tum cấp chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy điện gió Kon Plông 3.500 tỷ đồng
Thành Phát và Feager ký thỏa thuận hợp tác thực hiện Dự án Giảm thiểu phát thải CO2 trong nông nghiệp tại Đông Nam Á
Thi đua phát động đẩy nhanh tiến độ công trình nút giao An Phú, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, hầm chui Nguyễn Văn Linh
Đoàn cán bộ cấp cao tỉnh Kon Tum làm việc với thành phố Sukumo (tỉnh Kochi, Nhật Bản)